TRƯỜNG HỌC XÂY DỰNG KHU ĐÔ THỊ MỚI

TRƯỜNG HỌC XÂY DỰNG KHU ĐÔ THỊ MỚI

Với thực trạng cơ sở vật chất trường lớp các cấp phát triển như hiện nay, nhu cầu về xây dựng, cải tạo, quy hoạch thiết kế đang gia tăng đáng kể. Một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình thực hiện mục tiêu nhằm đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất và môi trường học tập cho thế hệ tương lai của đất nước theo Đề án quốc gia “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, chính là việc soát xét, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế công trình trường học - thực tiễn áp dụng và giải pháp hoàn chỉnh là những căn cứ pháp lý hàng đầu.

Thứ nhất, trong khi ngành giáo dục trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc cải cách đáng kể về nội dung, chương trình, niên chế cũng như mô hình trường, cơ sở giáo dục thì hệ thống tiêu chuẩn thiết kế công trình trường học vẫn còn chưa theo kịp với những thay đổi đó. Có thể lấy ví dụ như trong các trường phổ thông khi học chế thay đổi với chương trình học 2 buổi/ngày đã xuất hiện nhu cầu bán trú cũng như các diện tích chức năng tương ứng, hay sự thay đổi về phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm ở cấp trung học, rồi khái niệm mới về lớp học thông minh, lớp học linh hoạt theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm… đã làm thay đổi các yêu cầu về kích thước phòng học. Hay như ở bậc đại học, học chế tín chỉ đã làm thay đổi cơ bản không chỉ ở chương trình, mà còn tác động đến cấu trúc lớp học, giảng đường và các không gian chức năng khác cũng như những yêu cầu thiết kế chúng.

Thứ hai, do các tiêu chuẩn thiết kế mang tính sửa đổi, việc soát xét lại không được thực hiện định kỳ, như đã đề cập, tính lạc hậu trong nội dung là khó tránh khỏi, đặc biệt đối với tiêu chuẩn thiết kế các mô hình trường có nhiều nội dung chức năng mới như Trường trung cấp chuyên nghiệp hay trường dạy nghề.

Thứ ba, vấn đề còn khá bất hợp lý trong tất cả các tiêu chuẩn (kể cả quy chuẩn) về trường học các cấp là các quy định về chỉ tiêu đất tính trên đầu học sinh, sinh viên và tầng cao khống chế đối với các công trình trong khuôn viên trường. Ở hầu hết các tiêu chuẩn hiện hành chưa căn cứ trên những cơ sở khoa học mà vẫn còn định tính, chủ yếu dựa trên xu hướng do những khó khăn về quỹ đất.

Thứ tư, trong các bộ tiêu chuẩn hiện hành còn thiếu những tiêu chuẩn mang tính nâng cao theo xu hướng phát triển tất yếu như trường học xanh, trường học mở… hoặc những tiêu chuẩn mang tính xã hội, cộng đồng như những yêu cầu nhằm đảm bảo giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật.

Thứ năm, hiện nay, bên cạnh hệ thống tiêu chuẩn thiết kế (mà các cơ quan quản lý xây dựng các cấp thường căn cứ để làm cơ sở xem xét thẩm định hoăc cấp phép) còn có những quy định về chuẩn cơ sở vật chất nhà trường của các bộ, ngành quản lý (Điều lệ trường học các cấp, Quy định về trường chuẩn quốc gia, Quy định về vệ sinh học đường)… Những điểm khác biệt giữa các văn bản này thường làm khó cho việc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế.

Thứ sáu, việc quy định bắt buộc và tự nguyện, trong Luật đối với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chưa được hiểu một cách thống nhất giữa người quản lý, chủ đầu tư và người thiết kế. Bên cạnh đó, mặc dù Bộ Xây dựng cũng đã có Thông tư số 40/2009/TT-BXD “Quy định việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam” rộng đường cho việc thiết kế các công trình trường học chất lượng cao, nhưng thường chỉ có khả năng thực hiện đối với các trường thuộc khối tư thục.

Thứ bảy, Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế cho trường học các cấp còn chưa đồng bộ về các mức chi tiết theo thông lệ quốc tế: Quy chuẩn, tiêu chuẩn - tiêu chuẩn thiết kế - yêu cầu thiết kế và hướng dẫn thiết kế. Trong đó, hướng dẫn thiết kế là rất cần cho người thiết kế với những khả năng áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau.

Trường học là một loại hình công trình công cộng rất phổ biến và hiện đang có nhu cầu xây dựng phát triển rất lớn. Tiêu chuẩn thiết kế không những cần thiết cho người trong cuộc mà còn góp phần xây dựng cho xã hội nói chung, những mô hình trường hợp lý, hiện đại, phù hợp với điều kiện sinh khí hậu Việt Nam và bắt kịp với xu hướng tiên tiến trên thế giới.

Đã đến lúc tiêu chuẩn thiết kế trường học các cấp phải có cách tiếp cận mới, đồng bộ, không chỉ dừng lại ở soát xét, sửa đổi những tiêu chuẩn của ngày hôm qua. Đây cũng là một bước đi quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Đề án quốc gia “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.