KIẾN TRÚC NHÀ CAO TẦNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC

KIẾN TRÚC NHÀ CAO TẦNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC

Trường Đại học là một quần thể công trình đa chức năng, ngoài các công trình chính đảm bảo cho hoạt động DẠY và HỌC còn có các công trình phục vụ cho hoạt động rèn luyện thể chất, ăn ở, sinh hoạt, thực nghiệm thực hành và các công trình dịch vụ phụ trợ khác. Quan sát sự phát triển của Trường Đại học cùng với Đô thị mà nó vốn thuộc về, cho thấy một mối tương quan đặc biệt được được phân biệt khá rõ nét ở 2 chiều hướng. Ở chiều hướng thứ nhất, quần thể công trình Trường Đại học là một cấu phần chức năng của đô thị mà tiến trình đi từ Trường Đại học - một tòa nhà - một “campus” phát triển thành Trường Đại học - một Đô thị trong lòng Đô thị lớn. Ở chiều hướng này, mật độ và chiều cao khống chế cũng như các tiêu chí kỹ thuật khác phụ thuộc vào quy chuẩn khống chế không gian của Thành phố - Đô thị lớn, tùy thuộc vào các vị trí của Trường Đại học trong Thành phố. Ở chiều hướng thứ hai, Trường Đại học được định vị ở khu vực ngoại vi Thành phố với khuôn viên rộng rãi và cũng có một tiến trình phát triển từ khuôn viên - thị trấn, tiến tới đô thị vệ tinh. Và ở đây, hiển nhiên chiều cao và mật độ khống chế sẽ tuân thủ yêu cầu phát triển không gian của chính khuôn viên hay đô thị vệ tinh đặc thù này.  

Cùng với các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật và công nghệ, và nhất là khi nhân loại đã bước vào thời kỳ của nền kinh tế tri thức, Trường Đại học đóng một vai trò quan trọng mang tính động lực cho sự phát triển đô thị. Sản phẩm của Trường Đại học không còn đơn thuần là nguồn nhân lực phục vụ, mà còn là những tri thức phát minh sáng chế ứng dụng trực tiếp cho quá trình. Và như vậy, bên cạnh truyền thống kinh viện của những thánh đường tri thức, giờ đây Trường Đại học đã trở thành một quần thể công trình sống động, là thành phố của sự phát triển, của những cư dân đa phần ở lứa tuổi từ 18 ÷ 30 đầy khát vọng sáng tạo. Mọi sự khống chế ràng buộc đều phải được tính toán theo tính hiệu quả trên tinh thần của những ý tưởng mạnh mẽ về không gian.

 

Mặt khác, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào ngày càng nhiều trong chương trình đào tạo, đồng thời bản thân các Trường Đại học cũng trở thành các Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ không chỉ trên lý thuyết mà còn là những nghiên cứu ứng dụng. Điều này dẫn đến hệ thống hạ tầng cho các công trình ngày càng phức tạp khiến giải pháp tập trung có ưu điểm vượt trội so với giải pháp phân tán. Điểm thứ ba dẫn đến sự thay đổi chính là công nghệ DẠY và HỌC, khi học chế tín chỉ được thay thế cho hệ niên chế, vấn đề vận trù học trở thành một bài toán cần phải giải cho các nhà thiết kế. Ở đây, với sự hỗ trợ của công nghệ xây dựng tiên tiến, sự di chuyển gọn theo chiều đứng cũng chứng tỏ tính hợp lý hơn cho những di chuyển ngang từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Và cuối cùng, tính biểu tượng như một điểm nhấn khẳng định trong không gian toàn trường, cũng như các tiểu không gian không những chỉ đưa tới sự đa dạng trong xử lý chiều cao - khối tích, mà còn hướng tới những biểu tượng đặc trưng về chiều cao của từng ngôi trường

Tiến trình thay đổi về chiều cao trong Trường Đại học ở Việt Nam cũng không vượt ra ngoài các quy luật trên, nhưng đồng thời lại nhân thêm một hệ số khó khăn về các điều kiện. Trong đó, quỹ đất khan hiếm chính là một yếu tố tác động mạnh nhất đến nhu cầu đòi hỏi sự thay đổi chiều cao khống chế. Thực tiễn cho thấy sự “vượt rào” về chiều cao đã từng bước minh chứng cho các giải pháp hợp lý của mình. 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu bức tranh tổng quan về các công trình Nhà cao tầng trong các trường Đại học trên thế giới hiện nay.